TIN TỨC - SỰ KIỆN

Các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất

16:53 26/04/2025

Việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu 

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm….. Từ đó tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận.

HTX Nuôi ong mật 27/7, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn đầu tư kinh phí
mua sắm trang thiết bị hiện đại để sản xuất mật ong theo quy trình khép kín.

Được Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn vốn, HTX Nuôi ong mật 27/7, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn đã đầu tư thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị hiện đại để sản xuất mật ong. Nhờ đó, chuỗi sản xuất khép kín được hình thành, quy trình quản lý được đảm bảo nghiêm ngặt, chất lượng, sản lượng từng bước được nâng lên. Hiện mỗi tháng HTX cung ứng ra thị trường 1000 lít mật ong thành phầm, được thị trường đón nhận.

HTX Hoa Ninh Phúc vận động nhân dân đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tự động,
sử dụng màng phủ nông nghiệp để tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động.

Còn đối với HTX Hoa Ninh Phúc, hiện nay, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để trồng hoa. Theo thống kê, toàn xã có hơn 10.000m2 diện tích nhà màng. Nhiều diện tích được lắp đặt hệ thống tưới tự động, sử dụng màng phủ nông nghiệp để tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động. Đặc biệt, các kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa luôn được bà con cập nhật và áp dụng, đảm bảo chất lượng hoa ngày một nâng lên, cung ứng số lượng lớn ra thị trường.

Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025, có từ 40% chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là HTX nông nghiệp.

​Với tư duy đổi mới, nhạy bén trong kinh doanh, sản xuất, đã có 60 HTX, 2 Liên hiệp HTX phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, lợi nhuận từ 25-35%. Hiện khối kinh tế tập thể đang xây dựng, phát triển mô hình HTX nông nghiệp gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, gắn với chế biến và tiêu thụ. Lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025, có từ 40% chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là HTX nông nghiệp.

Khoa học kỹ thuật luôn là một yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển mang tính bền vững cho các HTX hiện nay. Vì vậy, sự chủ động, đổi mới, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện về tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của các ngành, các cấp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.